Bùng nổ dịch COVID-19 trên toàn cầu được xem là một trong các cơ hội chưa từng có cho những ứng dụng truyền thông trực tuyến lên ngôi. Trong số đó, chắn chắn phải nhắc đến app Zoom Cloud Meetings.
Ứng dụng ra đời từ năm 2011, sau 9 năm tính tới vài tháng trước đại dịch COVID-19, Zoom mới đạt hơn 10 triệu người dùng. Ấy vậy mà, đến thời điểm hiện tại, số lượt tải của riêng Google Play đã đạt trên 100 triệu lượt. Bên cạnh gói sử dụng miễn phí, Zoom cũng cung cấp các gói trả phí với nhiều tính năng nâng cao, giá từ 14.99$/tháng/host.
Trong thời gian giãn cách xã hội, Zoom là cái tên quen thuộc mà rất nhiều công ty sử dụng họp trực tuyến. Các giáo viên và học sinh cũng cùng ôn luyện ngay trên nền tảng này. Rất nhiều tài liệu đang từng ngày, từng giờ được chia sẻ, nên không khó để tin tặc đánh hơi được miếng bánh béo bở đang chờ.
Mới đây, Zoom đã bị cơ quan an ninh Mỹ đưa ra các cảnh báo về quyền riêng tư và bảo mật.
Cụ thể, phiên bản Zoom dành cho hệ điều hành trên iOS bị phát hiện đã tự động chuyển dữ liệu người dùng như các thông tin về kiểu máy, múi giờ, tỉnh/thành phố, nhà mạng, vị trí… cho Facebook. Trong khi đó, khách hàng lại không hề được thông báo trước. Việc này khiến Zoom bị người tiêu dùng tại Mỹ khởi kiện. Ngay sau đó, CEO của Zoom là Eric Yuan đã đăng lên blog thừa nhận vấn đề lỗi bảo mật cũng như việc vi phạm quyền riêng tư và xin lỗi người dùng.
Hiện nay, tại New York, Zoom không được phép sử dụng cho quá trình học tập. Lo ngại vấn đề bảo mật, Đài Loan đã khuyến cáo các cơ quan công quyền của mình không sử dụng Zoom khi cần họp trực tuyến. Họ cũng nói sẽ cấm ứng dụng này trong các trường học.
Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, ứng dụng Zoom đang có 2 lỗ hổng chính:
- Tính năng Zoom Bombing dễ bị tin tặc lợi dụng vì ID cuộc họp được tạo một cách ngẫu nhiên và khi người dùng không đặt mật khẩu.
- Nội dung học tập & làm việc trên Zoom chưa thực sự được mã hóa đầu cuối nên rất dễ bị tin tặc đọc được sau khi đã xâm nhập.
Để an toàn hơn khi sử dụng Zoom, việc chúng ta có thể làm là:
- Cập nhật Zoom thường xuyên nhằm bổ sung các tùy chọn và tính năng mới, cũng như được sửa các lỗ hổng bảo mật khác.
- Tạo mật khẩu cho cuộc gặp mặt bằng cách chọn Meetings > Edit > bật tính năng Required Meeting Password rồi nhập mật khẩu > Save.
- Khi bắt đầu tham gia gặp gỡ trực tuyến, hãy chọn More > Meeting Settings và bắt đầu sử dụng các tính năng kiểm soát người tham gia cuộc họp như Lock Meeting, Lock Share, Allow Participants to Chat with,…
Sau những bê bối cùng nhiều lời cảnh báo được đưa ra, chính Zoom đã có những hành động tích cực để lấy lại lòng tin của người dùng. Có thể kể tới như:
- Mời cựu Giám đốc an ninh của Facebook – Alex Stamos về làm cố vấn bảo mật Zoom.
- Tăng cường chương trình phát hiện và sửa lỗi liên quan.
- Trực tiếp liên hệ với Chính phủ của các nước, chủ động hợp tác để làm minh bạch các thông tin cần thiết.
Một ứng dụng tốt, dễ cài đặt và sử dụng với tất cả mọi người nhưng Zoom Cloud Meetings thật sự cần nghiêm túc trong vấn đề an ninh, bảo mật thông tin cho người dùng nếu muốn phát triển lâu dài.
Nếu Zoom chưa phải là lựa chọn tốt nhất thì bạn cũng có thể tìm đến các ứng dụng họp trực tuyến miễn phí khác như: Google Hangouts Meet, Microsoft Teams, Skype…
Comment của bạn